Site icon 789BET

Thomas Muller: Một “Raumdeuter” vĩnh cửu

thomas muller

Bạn có bao giờ thắc mắc biệt danh “Raumdeuter” của Thomas Muller ra đời từ bao giờ?

Đầu năm 2011, lúc mới 22 tuổi, Thomas Muller – chủ nhân của Chiếc giày Vàng World Cup trước đó vài tháng – trong một cuộc phỏng vấn vốn không được chuẩn bị sẵn với Andreas Burkert của tờ Suddeutsche Zeitung, đã tự đặt tên cho chính vai trò thi đấu của mình trên sân. Có bao nhiêu cầu thủ trong lịch sử bóng đá tự định danh cho vị trí/vai trò của họ?! Có lẽ không nhiều.

Hãy đến với những trích đoạn trong cuộc phỏng vấn cách đây hơn 13 năm ấy, ngày ra đời khái niệm “Raumdeuter” mà Thomas Muller là định nghĩa hoàn hảo nhất của vai trò ấy!

“Anh đang nhắc tới Luiz Gustavo à? Thú thật, kể từ khi anh ấy đến Bayern, chúng tôi chưa đo thử bắp chân, nhưng có khi đúng như anh nói. Tôi biết mọi người hay trêu đùa về đôi chân của tôi, chuyện đó đã có từ lâu rồi. Nhưng đừng lo, từ khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi luôn nói rằng đôi chân tôi rất chắc khỏe. Bản thân tôi cũng chưa bao giờ xem đôi chân mỏng manh của mình là vấn đề, thậm chí tôi còn thấy chúng giúp ích cho mình từ khi còn nhỏ. Bởi lẽ trong bóng đá, bạn không chỉ dựa vào thể hình, mà còn cần phải vận dụng trí não, tính toán những đường chạy, để tránh những pha tranh chấp trực tiếp.”

“Một số thứ là kết quả của tập luyện, dạng bài vở, tự động kích hoạt. Nhưng thường thì đó là bản năng, cảm giác về không gian. Thật mừng vì tôi có được khả năng ấy.”

“Không, theo một cách nào đó thì tôi là một dạng độc nhất. Có những cầu thủ chuyên rê dắt bóng khá giống nhau, rồi cả những tiền đạo cùng một dạng, nhưng tôi là dạng nào thì thực sự tôi cũng không rõ nữa.”

“Uhm… tôi là gì nhỉ? Một “Raumdeuter” chăng? Nghe được đấy, tôi là một cầu thủ giải mã không gian (chiếm lĩnh, khai thác không gian một cách hiệu quả nhất). Cái tên này nghe chất đấy chứ!”

“Đúng vậy, tôi vốn không nổi tiếng với những bàn thắng đẹp mắt. Nhưng điều quan trọng là bóng vào lưới. Người ta thường nói tôi may mắn, nhưng nếu may mắn cứ xảy đến liên tiếp 5 lần ở World Cup (Muller ghi 5 bàn ở World Cup 2010, đồng vua phá lưới), thì có lẽ phải có một lý do khác.”

“Câu nói đó hoàn toàn đúng. Tôi cố ý chấp nhận rủi ro trong lối chơi của mình. Tôi thường cố gắng tìm đường tiến thẳng đến khung thành đối phương, nghe thì rất lý tưởng nhưng lại khó thực hiện. Chắc chắn sẽ có những sai lầm mắc phải, nhưng tôi luôn tự nhủ: “Kệ nó, lần sau mình sẽ thử lại.” Trong các bài phê bình, đôi khi người ta viết về tôi thế này: “Cậu ta đã cố lắm rồi, nhưng không thành công.” Đúng vậy, đôi khi mọi thứ không như ý muốn. Tôi cố gắng rất nhiều, và tất nhiên sẽ có những lần không thành công. Tôi hiểu vấn đề và vì vậy không có gì phải quá lo lắng.”

“Không hẳn đâu. Giai đoạn lượt đi đã qua ở Bundesliga, tôi chủ yếu đá cánh trái hoặc cánh phải. Toàn đội nhìn chung là đã chơi không được tốt, nên chẳng ai nổi bật lên được, kể cả tôi.”

“Tôi sẽ bố trí Muller chơi sau tiền đạo mũi nhọn. Đó cũng là vị trí mà ở Bayern tôi sẽ gần khung thành đối phương hơn và do đó cũng nguy hiểm hơn. Từ đó, tôi có thể đột phá vào những khoảng trống tốt hơn. Còn khi đá ở cánh phải và cánh trái, bạn phải có kỷ luật chiến thuật hơn để giữ vị trí. Chưa kể, vị trí số 7 ở ĐTQG lại rất khác so với ở Bayern, vì trên tuyển có Mesut Ozil và việc đổi cánh diễn ra liên tục. Tôi thì lại cần một chút tự do để có thể di chuyển sang trái hoặc phải. Vì vậy, tôi thấy mình phù hợp hơn ở vị trí số 10, sau tiền đạo. Nhưng tôi đủ linh hoạt và luôn sẵn sàng với các nhiệm vụ khác.”

Hơn 13 năm đã trôi qua kể từ cuộc phỏng vấn đó. Thomas Muller vẫn còn khoác áo Bayern, trải qua 10 đời HLV chính thức ở một CLB mà vốn dĩ hiếm khi nào sóng yên biển lặng. Mới rồi, anh thậm chí xô đổ kỷ lục của Sepp Maier, trở thành cầu thủ có số trận ra sân nhiều nhất lịch sử CLB, 710 lần.

Trong khi, Andreas Burkert giờ không còn là một nhà báo. Ông hiện làm việc cho mảng bóng rổ của Bayern Munich. Phải đến khi chuyện trò với ký giả Sebastian Stafford-Bloor của The Athletic mới đây, Burkert mới lần đầu tiên sau nhiều năm đọc lại cuộc phỏng vấn của mình với Muller. Nhiều thứ Muller nói ngày đó, đến tận bây giờ khi nhìn lại, Burkert thấy vẫn không mấy thay đổi.

“Vào thời điểm đó, mọi người đều đặt câu hỏi về khái niệm ‘Raumdeuter’. Chúng tôi đã phải cố gắng để tìm cách diễn đạt nó sao cho chính xác. Tôi nhớ chúng tôi có mặt ở một khách sạn tại Doha và Thomas hoàn toàn không chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn. Vì thế với khái niệm ‘Raumdeuter’, cậu ấy chưa từng nhắc đến trước đó bao giờ, và việc dịch nó sang tiếng Anh không hề dễ, song nó lại vô cùng phù hợp với cậu ấy.”

“Bất ngờ là giờ đọc lại, tôi thấy Thomas vẫn không thay đổi chút nào. Nếu không lầm thì tôi có gặp Thomas vào mùa đông năm ngoái và cậu ấy rất mở lòng, rất thân thiện. Cậu ấy không thay đổi gì trong 13 năm qua. Tôi từng là phóng viên cho Suddeutsche Zeitung trong 12 năm và tôi đã gặp nhiều người trong giới tinh hoa của thể thao. Người duy nhất tôi có thể so sánh với Thomas là Dirk Nowitzki (cựu cầu thủ NBA người Đức từng thi đấu cho Dallas Mavericks). Và Dirk cũng không thay đổi gì.”

“Thomas hoàn toàn trái ngược với những gì bạn thấy trong môi trường bóng đá hiện đại. Cậu ấy không tìm cách phô trương với một chiếc Ferrari, cậu ấy toàn ăn mặc bình thường thôi… Thật sự đấy, Thomas có thể là hàng xóm của bạn.”

Chuyện đó thì cũng không có gì bất ngờ. Sau khi ghi hai bàn thắng vào lưới tuyển Anh ở World Cup 2010, Muller đã thông qua cuộc phỏng vấn sau trận để cười ngớ ngẩn trước máy quay và tranh thủ chào hỏi ông bà anh ở quê nhà. Thời điểm ấy, Muller vẫn còn trẻ và bắt đầu nổi lên như cồn trên bản đồ bóng đá thế giới, nhưng sau ngần ấy năm, những tích cách chân thực vẫn được anh thoải mái bộc lộ: nét vui vẻ, khiêm tốn không giả tạo. Muller luôn thoải mái là chính mình.

Heiko Vogel đã có 10 năm kinh nghiệm làm việc tại học viện của Bayern, đào tạo ra một số cầu thủ hàng đầu của bóng đá châu Âu như Mats Hummels, Philipp Lahm, Toni Kroos và David Alaba. Song, khi nhắc về Muller, ông vẫn luôn dành những lời lẽ đặc biệt.

Quan điểm của Vogel về sự trưởng thành trong bóng đá của Muller giúp lý giải vì sao anh vẫn trường tồn ở tuổi 35 và thích ứng với các giai đoạn phát triển khác nhau của môn thể thao vua.

“Thomas là một trong những cầu thủ thông minh nhất tôi từng huấn luyện. Lần đầu tiên tôi gặp Thomas, cậu ấy mới 12 tuổi. Đó là trước khi cậu ấy gia nhập Bayern Munich và đang thi đấu ở một giải trẻ địa phương. Thomas chơi rất tốt, nên chúng tôi đã hỏi cậu ấy: ‘Em có muốn đến Bayern không?’ và cậu ấy trả lời: ‘Dạ có, tất nhiên rồi ạ!’”

“Khi Thomas lên đội U15, tôi là HLV của cậu ấy. Giai đoạn đó rất ổn, vì chúng tôi đạt được nhiều thành công. Triết lý của Bayern Munich là cho các cầu thủ trẻ thi đấu với các đội lớn tuổi hơn. Chúng tôi đã để đội U15 tham gia giải đấu U17. Thách thức là có, nhưng tôi tin rằng đó là một mô hình đào tạo quan trọng đối với CLB.”

“Chúng tôi sản sinh ra nhiều cầu thủ tài năng. Không phải là những người chạy nhanh nhất hay có thể hình ấn tượng nhất, mà là những người có tư duy chiến thuật tốt và khả năng đọc trận đấu đặc biệt.”

Sự chênh lệch tuổi tác và những bất lợi do chính con người chủ ý tạo ra đòi hỏi các cầu thủ trẻ phải thi đấu thông minh hơn, suy nghĩ nhanh hơn, tìm ra giải pháp tốt hơn, đối phó tốt hơn với các hạn chế về thể chất, và đôi khi là đương đầu trước những mánh khóe hoặc tiểu xảo mà các cầu thủ lớn tuổi hơn sử dụng.

Đối với một số người, Muller là một cầu thủ “dữ tợn” – luôn có ý chí chiến đấu và háo thắng. Xem Muller bây giờ, rồi đặt tham chiếu vào Muller của ngày trước – từ trước khi anh giành được tất cả mọi thứ mà bóng đá có thể mang lại – chúng ta sẽ hiểu vì sao anh vẫn trụ lại ở đỉnh cao của bóng đá, đơn giản là bởi sức mạnh ý chí thuần túy của anh. Đương nhiên là cả yếu tố may mắn, vì Muller đã tránh được những chấn thương nghiêm trọng và hiếm khi vắng mặt.

Nhưng Muller cũng là một cầu thủ bóng đá không chịu tác động của thời đại, thực tế là với những phẩm chất được xem là không phù hợp với xu hướng hiện đại. Muller không đặc biệt nhanh hay kỹ thuật, sức mạnh của anh cũng không vượt trội, nhưng anh thường tận dụng lợi thế của việc mình là người đầu tiên di chuyển đến quả bóng hoặc là người dự đoán nhanh nhất diễn biến của một tình huống bóng. Muller không phải là kiểu cầu thủ luân chuyển bóng khắp mặt sân hay chơi với sự tinh tế rõ ràng, nhưng đã trụ lại ở đỉnh cao bóng đá với tư cách là một trong những cầu thủ sáng tạo nhất của cựu lục địa.

Robert Lewandowski từng ghi được 344 bàn thắng cho Bayern, 54 trong số đó được kiến tạo bởi Muller. Có người sẽ tìm cách lập luận rằng vì chân sút người Ba Lan quá giỏi dứt điểm, nên người chuyền bóng cho anh cũng được hưởng lợi với vai trò kiến thiết. Tuy nhiên, ở mùa giải 2022/23, mùa giải mà Lewy đã khoác áo Barça, Muller (theo FBref) thuộc nhóm 1% dẫn đầu về các khoản kiến tạo kỳ vọng (0,38), số đường chuyền vào vùng cấm đối phương (2,00), số đường chuyền mang đến cơ hội (2,16) và số đường chuyền hướng về phía trước (4,76) mỗi 90 phút.

Muller hiểu được khoảng trống sẽ xuất hiện ở đâu trong một trận đấu, anh là sự bình tĩnh trong hỗn loạn. Một phần của khả năng đó, hay cảm giác đó, có lẽ là do bản năng, nhưng nó cũng được nuôi dưỡng bởi Bayern từ nhỏ và theo Vogel, là được kích thích bởi những thử thách định hình trong môi trường đào tạo.

“Chúng tôi luôn hạn chế số lần chạm bóng trong quá trình tập luyện. Chúng tôi sẽ chơi với một chạm, hai chạm hoặc từ ba chạm rồi hạ xuống còn một chạm. Các bài tập bao giờ giống nhau. Mọi thứ luôn thay đổi. Chúng tôi cũng sẽ di chuyển các khung thành hoặc chơi với chỉ một khung thành, hoặc có khi là ba.”

“Chúng tôi đa dạng hóa các tình huống tranh chấp tay đôi: 2v2, 3v1, 2v3. Tất cả đều thiết yếu trong việc phát triển trí thông minh bóng đá, giúp các cầu thủ trở nên thông minh hơn. Nếu bạn không đủ thể lực để xử lý tình huống, bạn phải có một đầu óc sắc bén.”

Cũng theo Vogel, để có một đầu óc sắc bén, bạn cũng cần có sự ổn định tâm lý bên ngoài sân cỏ. Đó cũng là điều mà Muller sở hữu.

“Một trong những lợi thế nổi bật của Thomas là gia đình. Tôi rất quý cha của cậu ấy (ông Gerhard, nhưng không phải là cựu ngôi sao của Bayern và tuyển Đức). Đối với một cầu thủ đang phát triển, việc có một người cha như vậy là vô cùng quan trọng. Ông ấy luôn ủng hộ Thomas nhưng chỉ đứng nơi hậu trường. Điều đó có nghĩa là Thomas phải học cách tự giải quyết mọi hoàn cảnh mà cậu ấy gặp phải. Đại loại như chuyện có được ra sân thi đấu hay không. Thomas sẽ biết rằng gia đình luôn ở bên cạnh, nhưng khi đối mặt với những khó khăn kiểu như vậy, cậu ấy phải tự mình giải quyết.”

“Sau mỗi mùa giải, cha của Thomas đều nói chuyện với một trong các HLV hoặc với tôi. Sau mùa giải, ông ấy sẽ hỏi tôi: ‘Anh thấy sao về sự phát triển của Thomas trong mùa giải này? Có ổn không? Không ổn à? Nó có thể cải thiện điều gì không?’”

Có lẽ, đó là lời giải thích hợp lý nhất cho việc tại sao Muller lại đóng vai trò quan trọng đến vậy với nhiều đời HLV ở Bayern, từ Louis van Gaal đến Jupp Heynckes, từ Pep Guardiola đến Hansi Flick. Cứ thế, bất kể đội hình hay triết lý có ra sao, Muller vẫn không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi, anh tồn tại dựa vào trí thông minh của mình.

Và sự thích nghi đó dường như mang lại cho anh một vị thế đặc biệt. Chưa từng ai nói xấu điều gì về Muller. Các CĐV đối thủ có thể ghen tị với bộ sưu tập danh hiệu của anh và thành công của Bayern Munich khiến nhiều người bực bội, nhưng ít ai hướng sự tức giận đó vào Muller, mặc dù anh là một biểu tượng rõ ràng của sự thống trị đó.

Nhưng sao lại vậy? Thomas Hurner, một nhà báo chuyên về bóng đá Đức của Suddeutsche Zeitung, đã suy ngẫm kỹ lưỡng trước khi đưa ra câu trả lời.

“Thomas không có bất kỳ thứ gì để trông giống như một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Cậu ấy hiểu điều và có khi còn lấy đó ra để tự giễu. Thomas là một người không được đánh giá cao, nhưng đã vượt qua mọi kỳ vọng để trở thành một trong những cầu thủ thành công nhất trong lịch sử bóng đá Đức. Hành trình ấy giúp Thomas trở nên đặc biệt hấp dẫn, nhưng cậu ấy cũng có khả năng diễn đạt bản thân rất tốt – một người hài hước, chân thực. Nếu Thomas không phải là một cầu thủ bóng đá thành công, có thể tưởng tượng cậu ấy sẽ trở thành một thợ cơ khí hay đại loại như thế.”

“Cậu ấy chưa bao giờ hành xử như một ngôi sao. Thomas Muller là Thomas Muller. Đôi khi, bạn thấy các cầu thủ đeo một chiếc mặt nạ, biểu diễn trước ống kính, nhưng Thomas không làm điều đó. Cậu ấy chưa bao giờ làm thế cả. Thomas luôn là chính mình.”

Dịch từ Suddeutsche Zeitung và The Athletic

Exit mobile version