Vài ngày sau khi bị Argentina đánh bại 1-0 trong trận chung kết Copa America 2024 tại Miami, hậu vệ Davinson Sanchez của đội tuyển Colombia đã tiết lộ về chi tiết mà anh cho là đã tạo nên sự khác biệt trong trận đấu cực căng thẳng này.
Trò chuyện với D Sports tại Colombia, Sanchez tin rằng biến cố Lionel Messi rời sân ở phút 66 vì chấn thương về cơ bản đã giúp Argentina trở nên mạnh mẽ hơn.
“Việc Messi bị rút ra chính là chìa khóa, bởi vì người vào sân thay thế là Nicolas Gonzalez với thể chất tốt hơn một chút,” Sanchez nhận định. “Khi ấy, họ đã triệt tiêu đi sự hưng phấn của chúng tôi, bởi vì trước đó chúng tôi đã chơi rất tốt ở cánh phải… sau bước ngoặc đó, trận đấu đã trở nên cân bằng hơn. Họ không áp đảo chúng tôi, nhưng thế trận đã trở nên cân bằng hơn.”
Nhận định của anh có đúng không? Phải chăng Argentina có thể chơi tốt hơn khi trên sân không có sự hiện diện của Messi, người được ca tụng là cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại? Dù sao thì nhà đương kim vô địch Nam Mỹ và Thế Giới cũng đã vạch ra một kế hoạch tinh tế cho cuộc sống không có sự phục vụ của ngôi sao đang sở hữu 8 Quả Bóng Vàng và đã bước sang tuổi 37 hồi tháng 6.
Messi mới chỉ trở lại sân cỏ tại Inter Miami gần đây sau chấn thương bong gân mắt cá chân dính phải trong trận chung kết với Colombia. Vì chưa hồi phục hoàn toàn thể trạng, anh đã không thể góp mặt trong đợt tập trung hồi tháng 9 của đội tuyển Argentina để chơi 2 trận đấu vòng loại World Cup với Chile ở Buenos Aires và Colombia ở Barranquilla.
Hai trận đấu đó đã mang tới một cơ hội mới để chúng ta mường tượng về những thay đổi về mặt chiến thuật của Argentina trong một tương lai không còn sự hiện diện của một trong hai cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử của họ, bên cạnh Diego Maradona – ngoài việc không có sự phục vụ của Messi, họ còn mất đi Angel Di Maria sau khi anh tuyên bố giã từ sự nghiệp thi đấu quốc tế hồi mùa hè. Đây vừa là một tình cảnh hết sức lạ lẫm, vừa là một thử thách lớn dành cho Albiceleste.
“Họ là những con người không thể nào thay thế,” HLV trưởng Lionel Scaloni khẳng định trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với nhà báo người Argentina Juan Pablo Varsky. “Tìm người thay thế họ là việc bất khả thi. Họ là những cầu thủ độc nhất vô nhị.”
Tiền đạo cánh thuộc biên chế Juventus Nicolas Gonzalez đã được đá chính trong cả 2 trận đấu với Chile và Colombia ở vị trí của Di Maria. Cầu thủ 26 tuổi đầy tốc độ này là một trong những nhân tố đa năng nhất của Scaloni. Anh có thể chơi ở cả 2 cánh (như Di Maria) và cũng từng được yêu cầu “đóng thế” cho Messi. Một trọng trách hết sức nặng nề.
Nhưng trên thực tế, Scaloni đã chia sẻ rằng vào những lúc Messi phải điều trị chấn thương, Argentina không hề đặt hết gánh nặng bù đắp sự vắng mặt của anh lên một nhân tố mới, mà chính bản sắc chiến thuật đã được xây dựng vững chắc của đội bóng này sẽ làm điều đó. “Một khi đã có Messi trong đội thì bất kỳ đội bóng nào cũng sẽ phụ thuộc nặng nề vào cậu ấy cả thôi,” Scaloni khẳng định. “Cậu ấy là một cầu thủ tuyệt thế vô song. Vậy nên chuyện này rất chi là bình thường.”
“Điểm mạnh chính yếu của đội bóng này là chúng tôi có một phong cách thi đấu không hề bị ảnh hưởng bởi vấn đề nhân sự góp mặt trên sân. Nhân sự có thể thay đổi, nhưng tất cả mọi người sẽ luôn thi đấu dựa trên cùng một ý tưởng đồng nhất. Điều này giúp ích rất nhiều vào những lúc Leo vắng mặt. Đúng là trong tình cảnh ấy thì chúng tôi sẽ thiếu đi khả năng thực hiện bước xử lý cuối cùng tuyệt đỉnh của cậu ấy, nhưng chất lượng tổng thể và cách chơi của đội thì không có gì thay đổi cả.”
Trong khoảng thời gian đầu của sự nghiệp HLV trưởng tại Albiceleste, cụ thể là giai đoạn 2018/2019, lối chiến thuật mà Scaloni áp dụng lên đội tuyển quốc gia này là đưa quả bóng tiến tới khung thành đối thủ càng nhanh càng tốt – kể cả khi Messi góp mặt trên sân đấu và đóng vai trò hạt nhân trung tâm. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của những cầu thủ sở hữu kỹ thuật cá nhân điêu luyện ở trung tuyến, Scaloni đã biến Argentina thành một đội kiểm soát bóng ưu việt và thành thạo nghệ thuật làm chủ trận đấu. Họ áp đặt ý chí của mình lên đối thủ bằng khả năng pressing chống phản công tuyệt vời ở trung tuyến và những đường chuyền chuẩn xác, trong khi đó Messi thường được sắp đặt ở vị trí tiền đạo hộ công với những trách nhiệm của một số 10. Tuy nhiên, thậm chí vượt trên cả Messi, chính hàng tiền vệ giỏi pressing, có kỹ thuật cá nhân cừ khôi và đa năng này đã đóng vai trò chủ chốt trong việc định hình Argentina dưới triều đại Scaloni.
“Các tiền vệ của chúng tôi đã thuần thục việc chiếm lĩnh những khoảng không gian mà hầu hết các tiền vệ truyền thống khác sẽ không thoải mái khi được yêu cầu làm thế,” Scaloni phân tích với Varsky. “Họ có thể hoạt động ở vùng không gian giữa 2 tuyến và họ hiểu rằng trong bóng đá hiện đại, họ phải có khả năng đảm nhận 2-3 vai trò khác nhau. Quan trọng nhất, họ không hề sợ sệt việc cầm bóng. Tất cả bọn họ đều muốn được nhận bóng hết.”
Rodrigo De Paul là một trong các tiền vệ đa năng đã đề cập, và anh đã đảm nhận nhiều nhiệm vụ hơn khi Messi vắng mặt. Sự cần mẫn và tư duy phòng ngự của ngôi sao thuộc biên chế Atletico Madrid là những phẩm chất đã nổi tiếng toàn thế giới. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu sự nghiệp, tức là thuở khoác áo Racing ở Argentina, anh là một tiền vệ tấn công.
Trong trận đấu với Chile hồi tháng 9, De Paul thực sự đã có mặt trên toàn sân đấu – theo đúng nghĩa đen. Anh đã phòng ngự như thể mạng sống của mình hoàn toàn phụ thuộc vào việc đó, và khi Argentina kiểm soát bóng, anh chuyển sang vai trò số 10, chiếm lĩnh những khoảng không gian thường dành cho Messi.
Chiến lược đó đã hoạt động không hiệu quả trong hiệp 1 – hiệp đấu đã kết thúc với tỷ số 0-0. De Paul đã không ít lần nhận được bóng tại những vị trí nguy hiểm, nhưng bước xử lý cuối của anh thì lại chẳng sánh được với Messi. Thiếu vắng Messi, Scaloni đã triển khai hai tiền đạo trung tâm là Julian Alvarez và Lautaro Martinez. Alvarez pressing rất xông xáo và đôi khi hoạt động như một số 9 ảo, nhưng mặc dù Alvarez đủ khả năng đảm nhận vai trò đó thì Chile đã kiểm soát tốt những động thái di chuyển không bóng của anh.
Nhìn chung, họ đã thiếu đi khả năng sáng tạo ở khu vực 1/3 cuối sân đối thủ. Tuy Argentina đã xử lý bóng rất mượt mà, mỹ miều, nhưng Alexis Mac Allister của Liverpool, một cỗ máy sáng tạo ở trung tuyến, lại không được giao cho vai trò chủ chốt. 6 quả tạt tối tăm, chật vật của tập thể Argentina và 1 tình huống thực hiện bóng ch.ết của De Paul rõ ràng chẳng thể nào sánh được với những gì Messi có thể làm.
Trong hiệp 2, Albiceleste đã pressing cao hơn và hung hăn hơn nữa. Ngoài ra họ cũng đã giãn rộng đội hình. Khi trên sân hiện diện một Messi thường xuyên chủ động tìm bóng ở khu trung tuyến, Argentina có xu hướng đá co cụm.
Khi không có anh, họ mở rộng sân đấu và cố đưa bóng tới vòng cấm Chile nhanh nhất có thể. Mac Allister được đẩy lên cao hơn, nắm vai trò nhạc trưởng cầm trịch mặt trận tấn công, còn De Paul thì lui xuống một chút để trở lại với vai trò tiền vệ box-to-box sở trường.
Tuy Paulo Dybala là người được giao cho chiếc áo số 10 khi Messi vắng mặt, nhưng chính Mac Allister mới là gương mặt có thể trở thành người kế thừa anh tại ĐTQG Argentina. Bàn mở tỷ số được ghi ở phút thứ 2 trong hiệp 2 của họ đến từ một đợt tổ chức tấn công được dàn dựng công phu giúp Mac Allister thực hiện một pha dứt điểm một chạm đậm chất Messi. Cuối cùng, trận đấu kết thúc với chiến thắng 3-0 dành cho Argentina.
5 ngày sau, trong cái nóng giữa trưa của Barranquilla, Scaloni đã thay Mac Allister bằng Leandro Paredes, sát cánh với Enzo Fernandez của Chelsea tạo thành một cặp tiền vệ trung tâm. De Paul một lần nữa được tự do di chuyển và liên tục xuất hiện ở những vị trí nguy hiểm thường do Messi chiếm lĩnh. Anh cũng đã khởi xướng nên một số pha phản công của Argentina, cùng với Alvarez, nhưng thật không may cho Albiceleste, những cơ hội đó đã bị lãng phí.
Bàn thắng duy nhất của Argentina trong trận này được ghi sau khi Nicolas Gonzalez chộp lấy đường chuyền hỏng của James Rodriguez rồi tự mình dẫn bóng lao tới khung thành để dứt điểm, sau 3 phút của hiệp 2. Trong xuyên suốt trận đấu, 2 trung vệ Cristian Romero và Nicolas Otamendi đã thường xuyên tìm cách đánh bại sự phong tỏa của bộ ba tiền vệ Colombia và đưa quả bóng lên thẳng tới 2 tiền đạo trung tâm.
Rõ ràng hai trung phong của Argentina đã phải làm nhiều việc hơn khi Messi không có trên sân. Họ phải pressing hàng thủ Colombia, phải thường xuyên lui xuống trung tuyến và được yêu cầu phải thi đấu với phạm vi rộng hơn bình thường.
Argentina đã giành chiến thắng trong trận chiến kiểm soát bóng với một chút chênh lệch sau khi Colombia lấy lại được lợi thế tỷ số ở phút 60 nhờ pha sút penalty thành công của Rodriguez. Mac Allister cuối cùng cũng được tung vào sân, nhưng anh chẳng thể nào tái hiện được khả năng sáng tạo và tư duy tấn công của Messi, buộc Scaloni phải ứng biến thêm để gia tăng sự hiệu quả cho mặt trận tấn công.
Ông đã tung hậu vệ trái chuyên tấn công Marcos Acuña vào sân ở phút 64 để thay thế Lisandro Martinez của Manchester United. Lautaro Martinez của Inter Milan, người đã “sắm vai” số 9 ảo, sẽ dạt sang phía cánh trái để cùng với Acuña và Gonzalez tạo lợi thế quân số trước các đối thủ ở khu vực này.
Điều chỉnh này đã gây vấn đề đáng kể cho Colombia, nhưng tiếc là Argentina đã chẳng thể tận dụng được những lợi thế mà nó mang lại. Cuối cùng, với tình trạng mệt mỏi, kiệt sức thấy rõ, Argentina đã phải nhận trận thua thứ 2 trong chiến dịch vòng loại World Cup 2026 của họ, và đây mới chỉ là trận thua thứ 7 trong 79 trận mà đội bóng này đã trải qua dưới triều đại Scaloni cho đến nay. Hiện Argentina vẫn đang đứng đầu bảng xếp hạng vòng loại của khu vực CONMEBOL, và Messi sẽ tái xuất sân chơi bóng đá quốc tế trong kỳ FIFA Days tháng 10 này, trước các đối thủ Venezuela và Bolivia.
Tuy nhiên, 2 trận đấu gần nhất của Albiceleste đã mang tới cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về viễn cảnh bản sắc chiến thuật của họ trong kỷ nguyên hậu Messi. Có lẽ đó sẽ là sự kết hợp của phong cách bóng đá mà Scaloni đã áp dụng trong khoảng thời gian đầu nắm quyền và triết lý của hiện tại. Khả năng kiểm soát bóng vẫn sẽ được xem trọng trong lối chơi của Argentina khi ấy. Điều thay đổi là họ sẽ đá nhanh hơn và trực diện hơn khi không còn sự phục vụ của thần tài mang áo số 10 nữa.
Theo Felipe Cardenas, The Athletic
Xem thêm: